Tiêu đề: | Lịch sử tôn giáo Nhật Bản |
Mục: | Điểm sách |
Mã tài liệu: | 2464558935 |
Năm xuất bản: | 2011 |
Số xuất bản: | 1 |
Ngôn ngữ: | Tiếng Việt |
Đánh giá: |
![]() |
Mô tả nội dung: |
Tác giả: Sueki Fumihiko Dịch giả: Phạm Thu Giang Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 2010, 316 trang Đây là công trình nghiên cứu của Giáo sư Sueki Fumihiko – chuyên gia hàng đầu hiện nay của Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu tư tưởng, nhất là tư tưởng tôn giáo Nhật Bản. Cuốn sách được Tiến sĩ Phạm Thu Giang – một dịch giả từng rất thành công trong việc dịch tác phẩm Phúc Ông tự truyện - chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Nhật. Tác giả Sueki Fumihiko từng có thời gian dài đứng trên bục giảng Đại học Tokyo, sau chuyển sang nghiên cứu tại Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Nhật Bản (Nichibunken). Lịch sử tôn giáo Nhật Bản của ông là công trình được đánh giá không chỉ có nội dung thông tin hàm xúc về toàn bộ lịch sử tôn giáo Nhật Bản mà còn thể hiện được sự khắc phục nhược điểm cố hữu của nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản trước đây, đó là nặng về tính chuyên sâu mà yếu về cái nhìn toàn cục. Nhiều kiến giải của ông trong cuốn sách được đánh giá là đã vượt qua những “kiến giải khoa học quyền uy” vốn có và đưa ra những cách nhìn nhận mới trên cơ sở lập luận chặt chẽ và tạo cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu trẻ. Khác với quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trước đó, Sueki Fumihiko đã đưa ra khái niệm cổ tầng và coi đó là cái được hình thành và bồi tụ trong suốt quá trình lịch sử chứ không phải là những giá trị bất biến. Với những kiến thức uyên thâm và lập luận chặt chẽ, ông đã phân tích, bóc tách các tầng văn hóa được bồi đắp bởi các tôn giáo để tìm ra cổ tầng. Điều thú vị là ông đã khám phá ra hai thứ cổ tầng để từ đó lí giải những vấn đề của tư tưởng và tôn giáo Nhật Bản trong xã hội hiện đại. Một cổ tầng thực sự ẩn giấu dưới mạch ngầm văn hóa và một cổ tầng được phát hiện bởi Motoori Norigana (1730-1801), tức thứ cổ tầng hư cấu. Tác phẩm của Sueki Fumihiko đã đem lại một cơ sở lí luận quan trọng giúp người ta có thể đánh giá một cách toàn diện về luồng tư tưởng dẫn nước Nhật đến chỗ cực đoan trong Chiến tranh Thế giới thứ hai mà ông đã tổng hợp lại trong khái niệm cổ tầng hư cấu và không tránh được cảm giác cay đắng khi nhận ra nước Nhật phải trả giá đắt vì những tư tưởng đó. Cuốn sách dày 316 trang, gồm 4 phần với 12 chương. Trong phần 1 với tiêu đề là Các vị thần và sự thâm nhập của Phật giáo, tác giả đã phân tích thế giới các vị thần trong tín ngưỡng thời cổ đại dựa trên những tác phẩm cổ điển của Nhật Bản như Cổ sự ký và Nhật Bản thư kỷ; sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản và sự hình thành tín ngưỡng thần phật tập hợp. Trong phần 2: Sự triển khai lí luận về Thần Phật, tác giả phân tích về sự phát triển lí luận Thần Phật tập hợp thời trung thế, nhất là đặc điểm thế tục hóa của Phật giáo Nhật Bản cũng như sự lí luận hóa của Thần đạo. Trong phần ba có tiêu đề là Thế tục và tôn giáo, tác giả đã dành những trang để phân tích về Kitô giáo, Nho giáo, Thần đạo và chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản. Phần cuối của cuốn sách nói về Cận đại hóa và tôn giáo. Tác giả đã đề cập đến những vấn đề nổi bật trong đời sống tôn giáo Nhật Bản như Thần Phật phân ly và Thần đạo quốc gia thời kỳ trước chiến tranh; sự hưng vong của tôn giáo thời hậu chiến. Lịch sử tôn giáo Nhật Bản của Sueki Fumihiko là công trình rất có ý nghĩa đối với những người nghiên cứu và tìm hiểu về lĩnh vực tôn giáo Nhật Bản.
Hồng Dương |
Lượt xem: | 1253 |
Lịch sử tôn giáo Nhật Bản
Bạn cần phải đăng ký tài khoản và đăng nhập vào hệ thống để có thể DOWNLOAD MIỄN PHÍ bài viết dưới dạng file PDF.
Đánh giá