Tiêu đề: | Trung Quốc tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế |
Mục: | Điểm sách, Trung Quốc |
Mã tài liệu: | 8048836253 |
Năm xuất bản: | 2012 |
Số xuất bản: | 9 |
Ngôn ngữ: | Tiếng Việt |
Đánh giá: |
![]() |
Mô tả nội dung: |
Tác giả: Phạm Sĩ Thành Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, 762 tr. Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam, là quốc gia có số dân đông nhất thế giới và có một nền văn hóa rất lâu đời. Gần đây, Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc hiện đại hóa, cải cách mở cửa và đang trở thành một cường quốc cả về văn hóa, chính trị và kinh tế. Hiện tượng về sự tăng trưởng kinh tế tốc độ hàng đầu của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua đã thu hút sự quan tâm tìm hiểu của nhiều học giả kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới, nhất là đối với giới nghiên cứu chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa ở Châu Á. Là nước bước vào công cuộc đổi mới, mở cửa phát triển sau Trung Quốc gần 10 năm, Việt Nam có thể suy nghĩ và áp dụng nhiều bài học kinh nghiệm về cải cách phát triển kinh tế của Trung Quốc, rút ngắn chặng đường đi lên của mình. Tuy vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu để có thể nắm bắt được kinh nghiệm về lý luận, đường lối thực thi, cả kinh nghiệm thành công và những thiếu sót, hạn chế đều không phải dễ dàng, nhất là trong bối cảnh đội ngũ cán bộ nghiên cứu về Trung Quốc ở nước ta chưa nhiều, đặc biệt người làm công tác nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc còn ít. Cuốn Trung Quốc tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949-2009) của Tiến sĩ Phạm Sĩ Thành gồm 3 phần chia thành 14 chương như sau: Phần 1: Mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển của Trung Quốc (1949-1978), gồm 3 chương, phân tích khái quát về chiến lược tăng trưởng và mô hình phát triển của Trung Quốc giai đoạn 1949-1978; mô hình tăng trưởng Harrod – Domar và hình bóng của nó ở Trung Quốc trong khía cạnh đây là mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư vốn vật chất. Đồng thời nêu lên những hệ quả của chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và mô hình tăng trưởng Harrod-Domar; những kết quả đạt được cũng như tác động của tình hình quốc tế đến chiến lược phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn này. Tác giả trình bày ngắn gọn về Đế chế Trung Hoa trong thời kỳ cổ trung đại; phân tích chính sách ngoại giao của Trung Quốc đương đại giống như người khổng lồ của thế giới thứ ba; tác động của chính sách đối ngoại đến chiến lược phát triển của Trung Quốc trong đó có sự so sánh với Nhật Bản và Liên Xô; đặc biệt, tác giả làm nổi bật quan hệ kinh tế đối ngoại của Trung Quốc và tác động của nó đến nền kinh tế thời kỳ 1949-1978. Phần 2: Tăng trưởng kinh tế và đóng góp của các yếu tố vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc (1978-2008) được chia thành 8 chương, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: các yếu tố cấu thành tăng trưởng và khái quát về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, trong đó tác giả trình bày về các lý thuyết tăng trưởng kinh tế chủ yếu và các yếu tố cấu thành tăng trưởng kinh tế cũng như nhìn lại sự tăng trưởng của Trung Quốc giai đoạn 1978-2008; tăng trưởng kinh tế và đóng góp của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Trung Quốc với những vấn đề lý thuyết về tác động của FDI đến quốc gia đón nhận đầu tư, tổng quan tình hình thu hút FDI Trung Quốc trong 30 năm (1978-2008) và tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế của nước này; vai trò của ngoại thương đối với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, trong đó tác giả nêu lý thuyết chung về tác động của ngoại thương đến tăng trưởng kinh tế, mô hình và chiến lược phát triển ngoại thương của Trung Quốc, một số thành tựu và những đóng góp của ngoại thương cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc; tổng quan về tiết kiệm, đầu tư và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc; đóng góp của hiệu suất sản cuất vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc; thị trường hóa và tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc với đánh giá chung về quá trình chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường và các biện pháp thị trường hóa cũng như tác động của nó ở Trung Quốc; một số vấn đề lý thuyết về đóng góp của yếu tố thể chế đến tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia chuyển đổi; tác động của các yếu tố thể chế đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thời kỳ chuyển đổi trong đó tác giả nhấn mạnh đến hiệu quả khích lệ của cơ chế thăng tiến đối với quan chức địa phương và và tăng trưởng kinh tế, các cải cách thu thuế và tài chính cũng như việc phân định lại quyền tài sản đất nông nghiệp. Phần 3: Chuyển đổi kinh tế - từ lý thuyết kinh tế học phương Tây đến thực tiễn chuyển đổi Trung Quốc đề cập lý thuyết chung về phương thức chuyển đổi, trong đó tác giả nêu lên quan điểm của các trường phái Kinh tế học cổ điển, chủ nghĩa Keynes mới, chủ nghĩa tiến hóa, chủ nghĩa cánh tả mới ở Trung Quốc, trường phái kinh tế học thể chế mới và tân kinh tế học chính trị; lý giải từ góc độ kết cấu tổ chức về chuyển đổi từng phần ở Trung Quốc trong đó nhấn mạnh đến phương thức cải cách mang tính thí điểm ở Trung Quốc, kết cấu tổ chức hình chữ U và chữ M. Đồng thời tác giả cũng nêu lên vai trò của chính quyền trung ương và các tổ chức cơ sở trong quá trình hình thành quyết sách ở Trung Quốc với mô hình quyết sách mang tính thí điểm trong thể chế phân cấp và thí điểm chính sách trên một số lĩnh vực ở nước này. Đây là công trình khoa học mang nội dung khoa học sâu sắc về lý thuyết tăng trưởng cũng như thực tế phong phú, chứa đựng những giá trị về thành tựu cải cách mở cửa của Trung Quốc. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới độc giả.
Hà Hậu |
Lượt xem: | 1989 |
Trung Quốc tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế
Bạn cần phải đăng ký tài khoản và đăng nhập vào hệ thống để có thể DOWNLOAD MIỄN PHÍ bài viết dưới dạng file PDF.
Đánh giá