Tiêu đề: | Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hai mươi năm đầu thế kỷ XXI |
Mục: | Trung Quốc, Điểm sách |
Mã tài liệu: | 1301698943 |
Năm xuất bản: | 2012 |
Số xuất bản: | 4 |
Ngôn ngữ: | Tiếng Việt |
Đánh giá: |
![]() |
Mô tả nội dung: |
Tác giả: TS. Lê Văn Mỹ Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2011, 315 tr. Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển lớn nhất hiện nay. Từ cuối thế kỷ XX, bước sang đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc trỗi dậy đi lên như một cường quốc phát triển toàn diện. Trải qua hơn 30 năm tiến hành cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tích đáng kinh ngạc. Các nhà nghiên cứu người Trung Quốc nói rằng: cải cách để tiến bộ và mở cửa để tiến bộ nhanh. Trên thực tế, Trung Quốc phát triển nhanh, mạnh và liên tục. Sự phát triển toàn diện của Trung Quốc mở ra cho mặt trận ngoại giao của nước này một không gian rộng lớn, đa chiều. Trong những năm qua, đặc biệt là 10 năm đầu của thế kỷ XXI, ngoại giao Trung Quốc có nhiều nét nổi bật, có cả thành công và hạn chế. Ngoại giao Trung Quốc đã thực sự giúp Bắc Kinh có ảnh hưởng ngày càng rộng trên thế giới. Việt Nam là nước láng giềng có chung biên giới đất liền và trên biển với Trung Quốc, đồng thời có mối quan hệ lịch sử lâu đời trên nhiều lĩnh vực với Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cũng là mối quan hệ có nhiều vấn đề nhất. Bởi vậy, nghiên cứu toàn diện về ngoại giao Trung Quốc rất quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Cuốn sách “Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hai mước năm đầu thế kỷ XXI” của tác giả Lê Văn Mỹ phần nào giúp cho mục đích nghiên cứu này. Trong phần 1 của cuốn sách (Những vấn đề nổi bật trong chính sách đối ngoại và quan hệ ngoại giao của Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI), tác giả đề cập tình hình thế giới, khu vực và tình hình Trung Quốc những năm đầu thế kỳ XXI, trong đó nhấn mạnh đến cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới và xu thế toàn cầu hóa, sự kiện 11-9 và những thay đổi quan trọng trong quan hệ giữa các nước lớn, việc Mỹ đưa quân vào Ápganixtan và phát động cuộc chiến tranh Irắc, khủng hoảng tài chính toàn cầu và việc nảy sinh các vấn đề toàn cầu khác; tình hình chính trị, an ninh và quá trình nhất thể hóa kinh tế khu vực Đông Á; sự phát triển liên tục của nền kinh tế Trung Quốc cũng như những thành quả nổi bật trong mở cửa đối ngoại của Trung Quốc và những thách thức mà nước này phải đối mặt. Trong cuốn sách, tác giả cũng đã nêu lên những nét chính trong mối quan hệ của Trung Quốc với các nước lớn. Đối với quan hệ Trung – Mỹ, tác giả nhấn mạnh việc duy trì sự ổn định là điểm nổi bật trong quan hệ này, quan hệ kinh tế, mậu dịch là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển quan hệ Trung – Mỹ. Với quan hệ Trung Quốc – Liên minh Châu Âu, tác giả đề cập quan hệ chính trị, kinh tế - thương mại và những bất đồng giữa hai bên. Quan hệ Trung – Nga được xác định là quan hệ đối tác chiến lược; quan hệ Trung - Ấn thể hiện qua những biểu hiện cạnh tranh trong quan hệ phát triển giữa hai nước. Tác giả cũng đề cập quá trình diễn biến và những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ Trung – Nhật; vấn đề nâng quan hệ Trung Quốc – ASEAN lên tầm cao mới, thành lập khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, tích cực tìm kiếm các biện pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải. Quan hệ Trung Quốc với các nước đang phát triển khu vực Trung Á, Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribe cũng được nói đến với những nét nổi bật trong chính sách ngoại giao khu vực và chính sách “ngoại giao năng lượng” của Trung Quốc. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến vấn đề ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân của Trung Quốc. Ngoại giao văn hóa trong việc tăng cường sức mạnh mềm của Trung Quốc. Những nét nổi bật về ngoại giao nhân dân của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI và những vấn đề tồn tại. Tác giả còn nêu lên những nét nổi bật về ngoại giao đa phương của Trung Quốc trong thời gian 10 năm đầu thế kỷ XXI như việc giương cao ngọn cờ hòa bình – phát triển – hợp tác, đề xướng xây dựng “thế giới hài hòa, cùng nhau phát triển”; thông qua diễn đàn đa phương, nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia và tăng cường hợp tác quốc tế; hình thành bố cục đa cấp và sâu rộng trong lĩnh vực ngoại giao đa phương;và những vấn đề tồn tại của ngoại giao đa phương Trung Quốc. Trong phần còn lại của cuốn sách, tác giả đưa ra dự báo về những diễn biến của tình hình thế giới, khu vực, tình hình Trung Quốc, chiều hướng ngoại giao của Trung Quốc đối với một số quốc gia và khu vực chủ yếu trên thế giới trong thập kỷ tới như về quan hệ giữa Trung Quốc với các nước phát triển; quan hệ Trung Quốc với các quốc gia láng giềng. Triển vọng quan hệ Trung Quốc với các quốc gia Trung Á, Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh và vùng Caribe. Dự báo xu hướng gia tăng sức mạnh mềm của ngoại giao Trung Quốc. Dự báo về ngoại giao đa phương của Trung Quốc trong thập kỷ tới. Qua 315 trang, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết khá toàn diện về chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong 20 năm đầu thế kỷ XXI; quan hệ của Trung Quốc với các nước cũng như chính sách ngoại giao văn hóa của nước này; những nét nổi bật và những vấn đề tồn tại trong ngoại giao đa phương của Trung Quốc; đồng thời nêu lên những dự báo về các vấn đề nổi bật của Trung Quốc, khu vực và thế giới. Đây là tài liệu vô cùng bổ ích cho bạn đọc, nhất là đối với các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Hà Hậu |
Lượt xem: | 2556 |
Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hai mươi năm đầu thế kỷ XXI
Bạn cần phải đăng ký tài khoản và đăng nhập vào hệ thống để có thể DOWNLOAD MIỄN PHÍ bài viết dưới dạng file PDF.
Đánh giá