Tiêu đề: | Tọa đàm khoa học “Dự báo triển vọng của CHDCND Triều Tiên sau Đại hội lần thứ 7 Đảng Lao động Triều Tiên” |
Mục: | Triều Tiên, Thông tin - Tư liệu |
Mã tài liệu: | 9994174342 |
Năm xuất bản: | 2016 |
Số xuất bản: | 5 |
Số trang: | 76-77 |
Ngôn ngữ: | Tiếng Việt |
Đánh giá: |
![]() |
Mô tả nội dung: |
Đại hội toàn quốc lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên đã diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 5 năm 2016. Đây là đại hội được tổ chức sau 36 năm, với sự tham dự của 3400 đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên. Để đánh giá tình hình một cách kịp thời, ngày 27/5/2016, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Dự báo triển vọng của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau Đại hội lần thứ 7 Đảng Lao động Triều Tiên”. Tọa đàm do TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, chủ trì với sự tham gia của đông đảo cán bộ nghiên cứu trong và ngoài Viện. Về phía các khách mời có Ông Lê Quảng Ba, nguyên Đại sứ CHXHCN Việt Nam tại CHDCND Triều Tiên; Ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc- Đông Bắc Á, Ban đối ngoại trung ương; PGS.TSKH. Trần Khánh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á… Nội dung tọa đàm xoay quanh 3 chủ đề chính: Những điểm mới trong Đại hội lần thứ 7 Đảng Lao động Triều Tiên; Chính sách “song tiến” - phát triển vũ khí hạt nhân song hành với mục tiêu phát triển kinh tế; Phân tích, dự báo triển vọng thống nhất hai miền Triều Tiên sau Đại hội lần thứ 7. Về nhân sự và đường lối phát triển đất nước, nhiều ý kiến tham gia tọa đàm đều thống nhất nhận định: Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7 đã đạt được một trong những mục tiêu quan trọng là bầu ra được ban lãnh đạo mới của đảng, đặc biệt là chính danh hóa vị trí lãnh đạo tối cao của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trong một đại hội đại biểu đảng toàn quốc. Với vị trí quyền lực tối cao được củng cố của mình, ông Kim Jong-un sẽ có điều kiện để ổn định về mặt nội bộ và thực hiện thuận lợi hơn đường lối phát triển đất nước trong tương lai. Về đường lối phát triển đất nước trong 5 năm tới của Triều Tiên, việc chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế nhằm cải thiện và nâng cao đời sống người dân là điểm đáng chú ý. Mặc dù mục tiêu phát triển kinh tế nằm trong chủ trương chính sách song tiến, vừa chú trọng phát triển kinh tế vừa tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, song có thể sẽ là lĩnh vực giành được nhiều quan tâm và ưu tiên thực sự trong thực tiễn phát triển của Triều Tiên trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế và khu vực. Cũng có những ý kiến quan ngại rằng, mặc dù Đại hội đã nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế, nhưng chưa thấy được những kế hoạch cụ thể để có thể đánh giá, nhận định về tính khả thi của việc đạt được mục tiêu. Chính sách song tiến là vấn đề được bàn luận sôi nổi nhất trong buổi tọa đàm. Có ý kiến cho rằng việc tiếp tục đường lối phát triển vũ khí hạt nhân trong chính sách “song tiến” liệu có thực sự cần thiết hiện nay đối với Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh nước này ngày càng bị cô lập do sự phản ứng từ cộng đồng quốc tế nhất là từ các nước lớn. Một số ý kiến cho rằng chính sách vừa phát triển hạt nhân vừa phát triển kinh tế của Triều Tiên mang tính bất khả thi. Vì theo kinh nghiệm cải cách của các nước như Việt Nam, Trung Quốc, nếu Triều Tiên muốn phát triển kinh tế phải từng bước thực hiện kinh tế thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng do phát triển vũ khí hạt nhân nên Triều Tiên sẽ tiếp tục bị cô lập bởi các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc như đã từng xảy ra. Nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an vừa qua nhằm trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này tiến hành thử hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa đạn đạo được cho là nghị quyết nghiêm khắc nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, chiến lược 5 năm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng chưa đưa ra được các số liệu mục tiêu cụ thể. Nhưng cũng có ý kiến lập luận rằng, trong bối cảnh Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có một hiệp ước hòa bình và Triều Tiên luôn có cảm giác bất an về an ninh, về nguy cơ sụp đổ của thể chế thì việc dựa vào răn đe của năng lực hạt nhân là một giải pháp mà Triều Tiên không dễ gì từ bỏ. Một số ý kiến đánh giá chính sách song tiến so với chính sách tiên quân được áp dụng trong thời gian trước đây là một bước tiến với mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Sau nhiều năm thực hiện chính sách tiên quân, dồn toàn bộ sức mạnh nguồn lực phát triển vũ khí hạt nhân, kiên trì theo đuổi chính sách tự chủ, Triều Tiên đã đạt được năng lực vũ khí hạt nhân đủ để bảo vệ đất nước trước sự đe dọa của bên ngoài và tập trung vào phát triển kinh tế. Do vậy, trong thời gian tới, việc Triều Tiên điều chỉnh lại chính sách liên quan đến phát triển năng lượng hạt nhân để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế cũng là một khả năng. Với mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân trong 5 năm tới, Triều Tiên có thể sẽ đi những bước xa hơn trong việc nới lỏng quản lý đối với nông nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, thực hiện giao khoán đến hộ gia đình, mở rộng thêm các đặc khu kinh tế và khu du lịch, nâng cao quan hệ thương mại, thu hút đầu tư. Về triển vọng thống nhất hai miền Triều Tiên, tại Đại hội lần thứ 7, Chủ tịch Kim Jong-un đã kêu gọi tiến hành hội đàm với Hàn Quốc để giảm hiểu lầm và ngờ vực giữa hai bên, giảm bớt căng thẳng quân sự, mở rộng hiệp thương trong thời gian tới, đồng thời kêu gọi đàm phán với Mỹ để tiến tới một hiệp ước về hòa bình. Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, chủ trương này của Triều Tiên đã không được phía Mỹ và Hàn Quốc ủng hộ vì chưa có đủ cơ sở niềm tin. Điều này cho thấy, việc thống nhất hai miền Bán đảo Triều Tiên trong tương lai vẫn còn nhiều chông gai phía trước. Cốt lõi của sự phức tạp trong vấn đề này là ở chỗ, việc tiến tới thống nhất Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay không chỉ là vấn đề nội bộ của 2 nhà nước trên Bán đảo mà còn liên quan đến lợi ích an ninh mang tầm chiến lược của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước lớn. Mặc dù tình hình trên Bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục có những diễn biến căng thẳng và bất thường, nhưng những tín hiệu sau Đại hội lần thứ 7 Đảng Lao động Triều Tiên vẫn đem lại những hy vọng mới cho người dân hai miền về những chuyển biến tích cực của quá trình thống nhất trong tương lai.
Hồng Nhung |
Lượt xem: | 424 |
Tọa đàm khoa học “Dự báo triển vọng của CHDCND Triều Tiên sau Đại hội lần thứ 7 Đảng Lao động Triều Tiên”
Bạn cần phải đăng ký tài khoản và đăng nhập vào hệ thống để có thể DOWNLOAD MIỄN PHÍ bài viết dưới dạng file PDF.
Đánh giá