Văn Lung – mãi mãi là quê vợ
Tiêu đề:      Văn Lung – mãi mãi là quê vợ
Mục:      Thông tin - Tư liệu
Tác giả:      Hồ Vũ
Mã tài liệu:      2177582719
Năm xuất bản:      2013
Số xuất bản:      2
Ngôn ngữ:      Tiếng Việt
Đánh giá:      0 
Mô tả nội dung:     

Năm 1947, thực dân Pháp mở chiến dịch càn quét khu căn cứ địa Việt Bắc hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta. Đại đội của Trần Hà được bố trí ở tử ngạn sông Lô để tiêu diệt tàu thủy địch từ Việt Trì lên. Trần Hà và 4 chiến sĩ được phụ trách khẩu ba-zô-ka. Cả tổ 5 người đã triển khai tác chiến từ 5 giờ sáng. Ở chiến hào tự đào khuất trong một bụi cây ngay bờ sông Lô. Đến hơn 9 giờ sáng thì tàu địch từ phía Việt Trì hùng hổ kéo lên. Cả đoàn tàu thủy hơn chục chiếc, anh được lệnh bắn chiếc đi đầu. Trên tàu có hơn chục tên lính pháp, một khẩu pháo 105 ly, một khẩu đại liên 12,7 ly. Chúng bắn bừa bãi vào các làng mạc ven sông gây không biết bao đau thương chết chóc. Đặc biệt là khẩu 12,7 ly chúng bắn xối xả vào phía tả ngạn vì chúng biết quân ta phục kích ở đó. Tổ ba-zô-ka của Trần Hà nằm im dưới chiến hào, đợi địch vào đúng tiêu điểm kính ngắm mới bóp cò. Sau những làn đại liên xối xả, một xạ thủ phụ trách kính ngắm hô lên: “Địch đã vào kính ngắm”, Trần Hà ra lệnh: “Bắn”. Một tiếng nổ vang trời, tàu địch bốc cháy. Bọn lính Pháp thấy tàu trúng đạn sắp chìm, chúng nhảy xuống sông. Cùng với tiếng nổi của súng Trần Hà, hàng chục tiếng nổ khác cũng vang lên. Sông Lô sục sôi. Hơn chục tàu địch bốc cháy. Bọn lính Pháp tới tấp nhảy xuống sông bơi vào bờ, đã bị các khẩu trung liên ở hai bên bờ chờ sẵn tiêu diệt. Tiếng súng im lặng, tiếng hô chiến thắng vang dội hai bờ sông Lô. Trần Hà thấy đau nhói ở chân phải. Thì ra một viên đạn địch đã xuyên thủng bắp chân anh, lúc chiến đấu hăng say nên quên đau. Lúc này anh được các chị y tá băng bó cầm máu. Sau trận này anh được trưởng ban thanh tra quân đội nhân dân Việt Nam, thiếu tướng Lê Thiết Hùng khen ngợi và trao phần thưởng. Anh rất sung sướng được góp phần vào chiến thắng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau trận sông Lô anh được về an dưỡng ở xã Văn Lung, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Anh là thương binh còn đang chữa trị nên đươc bố trí ở một mình trong nhà cô du kích Nguyễn Thị Mai. Nhà cô Mai có 2 chị em, cô 18 tuổi và cậu em trai 13 tuổi đang học phổ thông. Bố Mai, một nông dân thưc thụ, ông thật thà, chất phác, coi việc một thương binh vào nhà ở là một vinh dự. Ông quí Trần Hà như con cái trong nhà. Hàng ngày ông bảo Trần Hà ra bếp tập thể lấy cơm về ăn cùng gia đình. Nhà cô Mai ở trên một đồi cọ rộng gần một ha. Mái nhà lợp lá cọ, vách che bằng phên nứa nằm khuất dưới tán lá cọ xanh um, mát mẻ và đẹp lạ lùng. Chân đồi về phía đông gia đình làm một chuồng gà nuôi đến hàng trăm con gà ri. Ông nói với  con gái:

- Thằng Hà nó chiến đấu bị thương, đơn vị tin tưởng gửi vào nhà mình, gia đình ta có trách nhiệm chăm lo cho nó khỏe để sớm trở về đơn vị.

Cô Mai nghe lời bố dặn, ban ngày đi tham gia luyện tập quân sự trong đội du kích thôn, cứ 11 giờ trưa là cô lại vội vã về nhà lo cơm nước cho anh bộ đội. Gà của nhà nuôi được theo lời bố, cứ hai hôm là cô thịt một con làm thức ăn cho cả nhà, nhưng cô nhất thiết dành 2 cái đùi cho anh bộ đội bị thương ăn để chóng hồi phục sức khỏe.

Trần Hà cảm nhận được sự chăm lo âu yếm của gia đình và sự ưu ái đặc biệt của Mai. Rồi dần dần anh thấy ánh mắt của Mai luôn liếc về phía anh để chớp cả hình bóng anh vào tâm hồn. Có lần Mai phải giặt cả một chậu đầy quần áo của gia đình, trong đó có quần áo của Hà. Giếng thơi Phú Thọ thường ở chân đồi, cách xa sân nhà. Chậu quần áo quá nặng, Mai đã phải nhờ Hà xuống khênh hộ. Nghe thấy tiếng Mai gọi anh chạy xuống ngay. Cô liếc nhìn anh rồi nở một nụ cười hồn nhiên:

- Anh và em mỗi người một bên, khiêng lên sân để phơi.

Hai người khiêng chậu quần áo đi dưới bóng cọ thấp thoáng. Chú em trai thật thà và ngây thơ lên tiếng:

- Em trông anh chị khiêng quần áo cứ như là hai vợ chồng ,đẹp đôi lắm.

Mai cười khúc khích, má đỏ ửng và  nói:

- Láo nào, em không sợ anh Hà đét đít cho à. Ngoan rồi chị nói anh Hà dạy động tác ngiêm nghỉ, đi đều một hai cho. Cu cậu khoái chí cười như nắc nẻ.

Ngay tháng trôi qua, chẳng mấy mà tết âm lịch đã đến. Hà được bố Mai giao cho việc bổ củi để đun nước làm thịt lợn và luộc bánh chưng. Tết kháng chiến đầu tiên đón năm 1948, bố Mai phấn khởi có anh bộ đội cụ Hồ cùng ăn tết với gia đình nên ông làm thịt hẳn một con lợn 40 kg và gói hai chục bánh chưng. Tết năm ấy anh vui như khi còn nhỏ anh ăn tết với cha mẹ ở quê nhà.

 Cách ngôn Việt Nam có một câu rất hay: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Gần Hà, chăm sóc cho Hà, chẳng mấy lúc mà lòng Mai cứ cảm thấy bâng  khuâng. Có lúc cô gãi đầu gãi tai không hiểu mình nghĩ gì. Có lúc mẹ cô giục cô đi nấu cơm, cô cũng ngơ ngác hỏi lại. Mẹ cô rất thấu hiểu nỗi lòng con gái mình nên chỉ ngọt ngào nhắc lại. Có hôm đi tập về mà cô cảm thấy mình như đi trên mây,  chỉ muốn đi thật nhanh về nhà. Có hôm 11 giờ trưa mà trung đội trưởng chưa cho nghỉ là cô nóng ruột.

 Một hôm bể nước ăn cạn. Mai đi gánh nước ở giếng thơi lên, Hà cứ đi theo đòi gánh đỡ. Hà gánh đến gánh thứ tư thì đã mệt. Anh ngồi dưới gốc cọ nghỉ. Mai mạnh dạn ngồi ngay bên cạnh và nắn vai cho anh. Hà sung sướng đón nhận những tình cảm của người con gái xinh đẹp và hiền dịu dành cho mình.

 Từ đó trở đi Hà cảm thấy mạnh khỏe phấn khởi vì vết thương đã lành hẳn. Anh tăng được 4kg. Gia đình Mai có việc gì, anh nói với Mai cho anh làm. Một hôm đi hái rau ở chân đồi, hai người ngồi nghỉ ở gốc cọ, Mai ngả đầu vào vai Hà không chút ngượng ngùng. Anh âu yếm vuốt tóc Mai. Hình như bố Mai cũng biết được nỗi lòng của con gái mình nên ông tạo điều kiện cho đôi lứa. Ông phân công hai người trồng dứa ở vạt đồi phía nam. Hai người vừa làm vừa nói chuyện rì rầm. Chín giờ Mai đề nghị giải lao. Hai ngươi ngồi dưới bóng cọ, quanh đó hoa sim nở tím cả vạt đồi. Mai đặt tay lên vai Hà âu yếm hỏi:

- Anh Hà quê ở đâu mà tiếng nói lơ lớ như tiếng Nghệ An?

  Lúc này Hà cảm thấy hạnh phúc, trái tim  mách bảo anh phải nói hết cho Mai rõ. Hà kể về hoàn cảnh của mình:

- Quê anh ở mãi xứ sở hoa anh đào Nhật Bản. Tên anh là: Ya-ma-za-ki Zen-sa-ku, sinh ngày 8 tháng 10 năm 1923 tại xã Ta-go-no U-lai, huyện Tu-zi, tỉnh Si-gu-ô-ka. Cha anh là công nhân xe hỏa, mẹ anh quanh năm trồng quýt bán nuôi anh ăn học. Năm 1943 anh bị động viên vào quân đội Nhật, phiên chế vào binh chủng không quân. Cuối năm 1944 anh được điều sang Nam bộ Việt Nam. Nhật đầu hàng đồng minh, anh muốn trở về với cha mẹ, anh đã bỏ hàng ngũ quân đội Nhật theo Việt Minh, rồi gia nhập Vệ quốc đoàn ở Nam Bộ. Đầu năm 1946 anh được cấp trên tin tưởng cử đi bảo vệ đoàn đại biểu Quốc hội ra miền Bắc họp. Anh được anh em đặt tên là Hà để tiện liên lạc. Trên đường đi hàng tháng trời anh đã để hết tâm trí vào học tiếng Việt. Anh em đồng đội, các chú các bác trong đoàn cũng một lòng động viên, nên anh phấn khởi học rất chăm và rất nhanh. Xong nhiệm vụ bảo vệ, anh được chuyển về một đơn vị chủ lực. Đánh trận sông Lô anh bị thương vào đùi rồi được quê về quê Mai an dưỡng.

Thế rồi ngày trở lại đơn vị chiến đấu của Hà đã đến. Buổi tiễn đưa vào một ngày hè nắng ấm. Cả gia đình thức suốt đêm để tiễn người ra trận. Mẹ Mai thổi một nồi cơm nếp, thịt một con gà. Bà lấy mo cau gói cả cơm và con gà vào đó, buộc gói thức ăn cho người ra trận vào ba lô. Năm giờ sáng Hà phải lên đường để kịp 7 giờ tới địa điểm đơn vi hẹn. Mẹ Mai bịn rịn, bà quàng tay lên vai chàng con rể tương lai nỏi trong nước mắt: “Con ra trận giữ gìn sức khỏe rồi về với bố mẹ, mẹ thương con lắm”. Mai đi tiễn người yêu từ Văn Lung tới một khu rừng cách nhà tới hơn 20 km. Họ đi theo đường mòn dưới rừng cọ, vừa đi vừa ôn lại những kỷ niệm đã qua. Chẳng mấy chốc đã đến địa điểm tập kết. Giây phút chia tay đã đến. Hà ôm chặt Mai:

 - Em về mạnh khỏe nhé, anh đi chiến đấu nhất định sẽ trở về với em.

Mai ôm lấy cổ người yêu nói trong bịn rịn và tin tưởng:

  - Anh đi chiến đấu, giữ gìn sức khỏe rồi trở về với em, em chờ anh.

 Sau lần tiễn đưa ấy là những tháng năm chờ đợi của người con gái đất Tổ mới 18 tuổi. Hàng ngày cô vẫn ra đồng làm hoặc đi luyện tập quân sự với đội du kích thôn, nhưng trong lòng lúc nào cũng chờ mong tin tức của người ra trận.

  Đêm đêm cô thức dậy vào lúc 2 giờ sáng, ra đứng ở hiên nhà, nhìn về phía bắc chỉ thấy mảnh trăng lưỡi liềm treo trên tán lá cọ hiu hắt, cô đơn. Cô tưởng tượng ra những ngày Hà còn ở nhà, gia đình vui như hội, cô và Hà cùng nhau làm việc nhà sao mà đầm ấm thế. Năm 1949 trôi đi chậm chạp và lạnh lùng. Chiều 29 tết bỗng có người gọi:

- Cô Mai ơi ra mà nhận thư.

 Cô sung sướng chạy ra ngõ thì bác bưu điện xã đua cho cô một lá thư của Hà. Thư viết: 

“Em yêu thương,

Những ngày ở nhà được bố mẹ và em chăm sóc, anh thấy hạnh phúc và sung sướng vô cùng. Từ ngày trở lại đơn vị, lúc nào anh cũng nhớ em. Khi nhớ anh lại lấy chiếc khăn thêu em  tặng ra lau mặt. Đơn vị anh được chuyển lên Tuyên Quang tập trận địa chiến để chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Suốt ngày anh phải lăn lê bò toài và hướng dẫn tân binh băn DKZ. Anh vẫn khỏe, luôn nhớ em. Đợi anh về em nhé. Hôn em.”

Đọc xong thư cô thấy tỉnh táo hẳn ra. Cô nói với bố mẹ có thư anh Hà. Bố mẹ bắt cô đọc cho nghe. Thế là cuộc đời cô, tình yêu của cô đã có hướng đi rõ ràng, gắn với anh Vệ quốc đoàn Trần Hà đang anh dũng chiến đấu ngoài mặt trận. Cô tâm nguyện sẽ chờ đợi người yêu đến khi chiến thắng trở về.

Một đêm cô viết thư cho Hà: “Em đã nhận được thư anh, cầm phong thư từ chiến trường gửi về em sung sướng khôn tả. Em khoe với bố mẹ. Bố mẹ bắt em đọc thư anh. Bố mẹ rất phấn khởi và tự hào vì có con rể tương lai đang chiến đấu ở ngoài chiến trường. Đêm đêm em để lá thư anh vào ngực để đỡ nhớ anh. Từ hôm nhận được thư anh, em khoe với bọn con gái trong đội du kích. Chúng nó phấn khởi và ghen tỵ với em: sao mày hạnh phúc thế.

 Chúc anh khỏe và chiến đấu anh dũng. Em hứa sẽ tích cực sản xuất và luyện tập trong đội du kích. Em mong anh chiến thắng trở về giống như những tàu lá cọ trên cây mong ánh sáng mặt trời mỗi sớm mai. Tối tối ngực em cứ phập phồng như để nhắc nhở sự chờ đợi thủy chung. Yêu anh mãi mãi.”

Hà chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc với niềm tin vào chiến thắng và sự phấn khởi do người yêu động viên ở hậu phương. Tổ DKZ do anh chỉ huy đã 4 lần bắn sập lô cốt địch để bộ bộ binh xông lên. Giải phóng Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng xong anh được điều đi bắt tù binh Pháp chạy vào rừng từ Cao Bằng đến Ngân Sơn. Hàng ngày anh phải chỉ huy cả một đại đội vào rừng. Mỗi chiến sĩ ngoài quân trang ra phải đem theo một chiếc gậy và 3 nắm cơm. Lính Pháp đã chạy vào rừng đến 5,6 ngày không có gi ăn, nên bộ đội chỉ cần buộc nắm cơm vào chiếc gậy giơ lên, nhìn thấy cơm chúng đói gần chết, ắt phải ra hàng. Anh phổ biến lệnh của trên là cấm bắn khi chúng đã giơ tay đầu hàng.  

Sau chiến thắng Việt Bắc anh được Bộ tổng tham mưu khen ngợi. Cấp trên thưởng cho anh 10 ngày phép về Văn Lung cưới vợ. Trung đoàn cử chính trị viên tiểu đoàn về tổ chức hôn lễ. Nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang. Hà lại phải lên đường ra mặt trận. Buổi tiễn đưa lần này lưu luyến hơn nhiều so với buổi tiễn đưa lần trước. Cả gia đình thức suốt đêm chuẩn bị cho người ngày mai ra trận. Bà mẹ vợ cũng thổi một mo cơm nếp và một con gà luộc nhưng mo cơm và con gà to hơn lần trước, vì Hà phải đi nhiều ngày mới tới đơn vị. Mai chuẩn bị ba lô cho chồng với ba bộ quần áo sồng và vài kỷ niệm của ngày cưới.

Từ sớm, Hà đã thức dậy để lên đường. Bà mẹ vợ nói trong nước mắt: “Con đi giữ gìn sức khỏe, chiến thắng lại trở về với bố mẹ và các em”. Bố Mai chạy ra cổng đón đường cho con rể đi được may mắn. Mai tiễn người yêu đi một quãng đường khá xa. Cô đi bên chồng, vừa đi vừa rủ rỉ những câu chuyện riêng tư, những kỷ niệm êm đềm khi hai người còn yêu nhau. Chẳng mấy chốc đã đến địa điểm chia tay. Mai hôn chồng rồi đứng nép vào vào một gốc cọ nhìn theo chồng cho đến khi khuất bóng.

Hà đi men sông Hồng lên đến thị xã Yên Bái, vượt qua bến đò Ô Lâu sang phía hữu ngạn rồi đuổi kịp đơn vị. Nhiệm vụ của trung đoàn anh là tiến vào Tây Bắc cùng phối hợp với các trung đoàn bạn để giải phóng đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Mai lại trải qua những tháng ngày chờ đợi. Sự chờ đợi bao giờ cũng kéo dài ngày tháng lê thê. Nhưng cô vẫn tin rằng người chồng yêu quý quê hương của xứ sở Anh đào Nhật Bản sẽ chiến thắng trở về trong niềm vui hân hoan, sung sướng của cô và gia đình.

Trong các trận đánh của Tây Bắc, Hà vẫn được trên tin tưởng giao cho phụ trách tổ DKZ của trung đoàn. Cứ nhớ đến Mai là anh lại hình dung ra hình ảnh người con gái đảm đang của đất tổ Hùng Vương với niềm yêu thương, trìu mến. Điều đó càng tăng thêm ý chí quyết tâm tiêu diệt giặc.

Đến tháng 11/1952, Hà viết thư về cho vợ:

 Mai, vợ yêu quý của anh,

Anh viết thư này ở gần trận địa nơi anh đã chiến đấu, đã từng bắn sập lô cốt địch bằng BAZOKA. Anh rất nhớ em, nhớ những lần chúng ta cùng nhau đi trồng dứa ở ven đồi, nhớ lúc khênh thau quần áo lên sân phơi cùng em, gánh nước từ giếng thơi chân đồi lên bể. Nhớ nhiều nhất là ngày cưới và những lần em tiễn đưa anh ra trận dưới những rặng cọ xanh mát. Anh hy vọng sẽ được cấp trên cho nghỉ phép về thăm em. Chúc em và bố mẹ khỏe mạnh, sản xuất tốt ở hậu phương.

Người chồng thân yêu của em.

Mai lại chờ đợi. Nỗi chờ đợi giống như những tàu lá cọ xanh mướt chờ ánh sáng ban mai. Cô vẫn đi tập ở đội du kích thôn. Đêm đêm, cô lại nhìn về phía tây để mong mỏi người chồng mau trở về. Thế rồi ngày tháng cứ qua đi, vẫn bặt tăm hơi. Bỗng, ngày 20/4/1954, Mai lại nhận được thư của chồng, cô sung sướng khôn tả. Đọc thư Mai rất hãnh diện vì chồng mình đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, anh chuyển ngành sang Tổng cục Giao thông Bưu điện, làm việc tại đó cho đến năm 1958 thì anh được tin hai hội Hồng thập tự Việt Nam – Nhật Bản đã ký hiệp định cho các Nhật kiều trở về nước. Anh đã viết thư đề nghị giải quyết cho cả gia đình anh gồm 5 người, hai vợ chồng và ba đứa con hồi hương về Nhật Bản. Chuyến tàu trở về đã cập bến Nhật Bản an toàn. Trong bức thư viết ngày 30/9/1958 từ Nhật Bản gửi về quê vợ, anh viết:

Bố mẹ kính yêu,

Con, vợ con và ba cháu đã về tới Nhật Bản an toàn. Con rất lo cho bố mẹ và em trai. Ngày trở về Nhật Bản, con vô cùng cảm động vì bố mẹ đã ra tận cảng Hải Phòng tiễn chúng con và các cháu. Lúc từ Văn Lung ra đi, gia đình con đã được cả làng ra tiễn đưa, con thấy nhiều người quyến luyến và lau nước mắt. Con coi Văn Lung mãi mãi là quê vợ.

Kính chúc bố mẹ mãi mãi mạnh khỏe./.

 

 

TS. Hồ Vũ 

Lượt xem:      1289
Bạn cần phải đăng ký tài khoản và đăng nhập vào hệ thống để có thể DOWNLOAD MIỄN PHÍ bài viết dưới dạng file PDF.

Đánh giá


TỔNG BIÊN TẬP

PGS.TS. PHẠM HỒNG THÁI

 

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

PGS.TS. PHẠM QUÝ LONG

 

TRƯỞNG PHÒNG BIÊN TẬP - TRỊ SỰ

ThS. VŨ THỊ MAI

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Chủ tịch hội đồng

PGS.TS. PHẠM HỒNG THÁI

Ủy viên hội đồng

TS. Lý Xuân Chung
PGS.TS. Phạm Quý Long
TS. Trần Quang Minh
TS. Đặng Xuân Thanh
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn

TÒA SOẠN

 

Phòng 1207 - Tầng 12, Tòa nhà Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam.
Số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.