Tiêu đề: | Hàn Quốc thời kỳ phát triển bứt phá |
Mục: | Điểm sách, Hàn Quốc |
Mã tài liệu: | 2347279220 |
Năm xuất bản: | 2012 |
Số xuất bản: | 12 |
Ngôn ngữ: | Tiếng Việt |
Đánh giá: |
![]() |
Mô tả nội dung: |
Tác giả: Nguyễn Văn Cường Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2011, 315 tr. Thế kỷ XXI được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của những con rồng Châu Á, trong đó có Hàn Quốc. Bắt đầu từ một nước có nền kinh tế kém phát triển, tỷ lệ thất nghiệp lớn, lạm phát cao và thâm hụt thương mại là câu chuyện hàng năm thì chỉ sau 30 năm từ 1962-1992, Hàn Quốc đã vượt lên thành một nước có nền kinh tế phát triển với GNP bình quân đầu người khoảng 10 nghìn USD và là nền kinh tế đứng thứ 15 trên thế giới. Vậy do đâu mà Hàn Quốc làm được điều kì diệu đó? Cuốn sách “Hàn Quốc thời kỳ phát triển bứt phá” của tác giả Nguyễn Văn Cường là một gợi ý nhằm lý giải sự thành công của Hàn Quốc trên con đường phát triển. Theo tác giả, để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã có những giải pháp lãnh đạo đúng đắn thể hiện ở một số điểm sau: - Sự bứt phá về thể chế có tầm quan trọng hàng đầu: Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng được một thể chế chính phủ hiện đại nhưng vẫn có bản sắc riêng của Hàn Quốc. Bản sắc này thể hiện ở chỗ dù dân chủ, đa nguyên nhưng vẫn duy trì vai trò chủ đạo của Nhà nước phát triển chủ nghĩa tư bản cộng đồng, dù hợp tác chặt chẽ và là đồng minh của Mỹ nhưng vẫn đề cao tinh thần tự chủ, tự cường dân tộc. - Khu vực kinh tế tư nhân được đặc biệt coi trọng: Chính phủ Hàn Quốc chỉ nắm giữ quốc phòng, an ninh, ngoại giao, dịch vụ công, điện, thông tin và đường sắt…, còn các ngành và lĩnh vực khác giao cho khu vực tư nhân phát triển. Chính phủ Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ mạnh cho khu vực tư nhân phát triển. - Quan hệ với Mỹ được đặc biệt xem trọng: do những điều kiện cụ thể, Hàn Quốc đã có quan hệ đồng minh với Mỹ, và đã tận dụng tối đa các lợi thế của Mỹ cho sự phát triển của Hàn Quốc trên nhiều mặt. - Khu kinh tế tự do Incheon – một giải pháp đột phá phát triển kinh tế tri thức: đây là một dự án lớn nhất Hàn Quốc, đưa Incheon từ một đô thị công nghiệp trở thành thành phố kinh tế tri thức hàng đầu thế giới vào năm 2020, trong vòng 16 năm kể từ khi bắt đầu dự án này. Bên cạnh việc phân tích và chỉ ra những kinh nghiệm bứt phá của Hàn Quốc, tác giả cũng đưa ra một số gợi ý của mình đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đó là: Việt Nam cần có sự thay đổi về thể chế theo hướng hiện đại; liên doanh với nước ngoài để xây dựng những khu kinh tế tự do, tạo ra những cửa mở, những cực tăng trưởng hiện đại, thúc đẩy sự phát triển của đất nước; cần tính tới các giải pháp cho phép các doanh nghiệp tư nhân mở rộng hoạt động kinh doanh sang một số lĩnh vực mà hiện chỉ có doanh nghiệp nhà nước hoạt động, hay phần lớn do doanh nghiệp nhà nước hoạt động, tạo dựng những doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh dẫn đầu trong một số ngành kinh doanh không chỉ trong nước mà cả ở tầm khu vực và quốc tế; cần nâng cấp quan hệ với Mỹ tương xứng với tầm cỡ một siêu cường số một thế giới. Toàn bộ những nghiên cứu đó của tác giả được thể hiện qua 4 chương sách: Chương 1: Quá trình phát triển Trong chương này, tác giả mô tả lại toàn cảnh quá trình phát triển kinh tế của Hàn Quốc từ bước khởi đầu năm 1961, trải qua các thời kỳ phát triển kinh tế để đạt được những thành tựu đáng kể. Tác giả cũng đã dành phần lớn nội dung trong chương này để phân tích những chính sách quan trọng của Hàn Quốc để có được thành công như: Chính sách ổn định hóa kinh tế (1980-1987), chính sách kinh tế trong thời kỳ quá độ, chính sách kích thích kinh tế và đầu tư, chính sách công nghiệp, chính sách thương mại… Trong đó, tác giả đã chỉ ra hiện trạng khó khăn của kinh tế Hàn Quốc và những việc mà Chính phủ Hàn Quốc cần thực hiện để giải quyết những khó khăn đó. Chương 2: Tìm kiếm vai trò quốc tế mới Tác giả phân tích xu hướng trong môi trường kinh tế và cải cách thương mại cần thiết, nêu những việc cần phải thực hiện trong môi trường mới như: mở cửa thị trường trong nước cho hàng hóa và dịch vụ, tự do hóa thị trường ngoại hối và thị trường vốn, theo đuổi nền ngoại giao kinh tế mới. Chương 3: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp Trong chương này, tác giả trình bày khuôn khổ cơ bản để tái cơ cấu công nghiệp và các phương pháp thúc đẩy công nghiệp như: Đổi mới cơ cấu các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng chính sách tập trung kinh tế và công ty công, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng nền tảng phát triển công nghiệp. Chương 4: Phát triển kinh tế và xã hội 5 năm lần thứ năm (1982-1986) Chương này đề cập đến 4 nội dung chính: đảm bảo ổn định kinh tế nâng cao hiệu quả, quản lý hợp lý cán cân thanh toán và đảm bảo an ninh kinh tế, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp dựa trên lợi thế so sánh, phát triển đất đai và bảo tồn môi trường. Cuốn sách, thâu tóm toàn bộ quá trình phát triển của Hàn Quốc từ 1961 đến những năm 90 của thế kỷ XX trên các mặt trong lĩnh vực kinh tế, sẽ là nguồn tư liệu có ích với bất kỳ ai quan tâm và muốn tìm hiểu về sự thành công “kỳ diệu” của Hàn Quốc.
Ngọc Anh |
Lượt xem: | 1614 |
Hàn Quốc thời kỳ phát triển bứt phá
Bạn cần phải đăng ký tài khoản và đăng nhập vào hệ thống để có thể DOWNLOAD MIỄN PHÍ bài viết dưới dạng file PDF.
Đánh giá